Bị vấp phạm vì Lòng Thương Xót

Sau nhiều năm thụ án vì phạm tội, một người đàn ông trở về với đời thường. Anh không trốn tránh quá khứ, cũng không thu mình trong im lặng, mà lặng lẽ tìm đến cộng đoàn. Anh âm thầm dọn dẹp nhà thờ, chuẩn bị nước uống cho các buổi sinh hoạt, và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần. Nhận thấy tấm lòng chân thành và sự đổi thay rõ rệt nơi anh, cha xứ đã mời anh tham gia cộng tác trong ban phục vụ.

 

Nhưng… không phải ai cũng vui mừng. Một số người trong cộng đoàn bắt đầu xì xào: “Cha xứ có biết anh ta từng ngồi tù không? Sao lại giao việc cho một người như vậy? Người ta sẽ nghĩ gì về giáo xứ mình?”

 

Nếu chân thành đặt mình vào hoàn cảnh ấy, có lẽ bạn và tôi cũng có thể thấy lòng mình gợn lên đôi chút: Chẳng phải còn biết bao người “trong sạch”, tại sao lại chọn một người từng mang tai tiếng? Phải chăng tha thứ như vậy là quá dễ dàng?

 

Thật ra, phản ứng ấy là điều rất tự nhiên nơi con người. Trong thâm tâm, không ít lần chính chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi thấy ai đó được tha thứ quá dễ dàng, được đón nhận quá nhanh chóng. Lòng thương xót – nhất là khi vượt xa những gì chúng ta cho là “công bằng” – dễ khiến chúng ta cảm thấy bị vấp phạm.

 

Trong Tin Mừng, chính Đức Giê-su nhiều lần làm cho người ta “vấp phạm” như thế. Ngài ăn uống với người thu thuế, tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, chữa lành cho những kẻ bị coi là ô uế. Những người giữ luật cách khắt khe không chịu nổi lòng thương xót ấy. Họ lo sợ rằng, nếu tha thứ dễ dàng như vậy, thì còn ai sợ tội lỗi nữa?

 

Chúa Nhật II Phục Sinh – Lễ Lòng Chúa Thương Xót – là lời mời gọi mạnh mẽ để chúng ta tái khám phá chiều sâu của lòng thương xót Thiên Chúa, suy gẫm và hiểu thấu hơn về điều đó. Lòng thương xót không phải là sự “dễ dãi”, cũng không có nghĩa là bỏ qua hay phủ nhận tội lỗi, nhưng là trao ban cho con người một cơ hội để thay đổi, để làm mới lại cuộc đời. Khi tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, Đức Giê-su đã nói: “Từ nay đừng phạm tội nữa.” Lòng thương xót là sự thật đi kèm với hy vọng.

 

Thánh nữ Faustina, trong nhật ký của mình, đã ghi lại lời Chúa Giê-su: “Trong ngày lễ này, ai đến gần mạch nguồn sự sống sẽ được tha thứ hoàn toàn tội lỗi và hình phạt. Đừng để linh hồn nào sợ đến gần Cha, dù tội nó có đỏ như vải điều.” Lòng thương xót ấy sâu rộng đến mức không một trí tuệ nào – dù là con người hay thiên thần – có thể hiểu thấu.

 

Tuy nhiên, nếu hiểu sai về lòng thương xót, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc lợi dụng để sống buông thả, hoặc sợ hãi đến mức khước từ. Nhưng lòng thương xót đích thực luôn đi đôi với lời mời gọi hoán cải.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Tô-ma đại diện cho những người mang trong mình vết thương của nghi ngờ, thất vọng và mất mát. Khi nghe các môn đệ loan báo: “Chúng tôi đã thấy Chúa,” ông đã nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh nơi tay Người… tôi sẽ không tin.”

 

Tám ngày sau, Chúa hiện đến. Ngài không trách cứ, không loại trừ ông, nhưng nói: “Hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy.” Cạnh sườn bị đâm thâu – dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót – trở thành cánh cửa mở ra cho Tô-ma bước vào đức tin.

 

Chúa không chỉ muốn Tô-ma tin bằng mắt thấy, mà còn bằng sự chạm vào – chạm vào tình yêu, chạm vào lòng thương xót, chạm vào chính Đấng đã chịu chết vì ông. Và sau cuộc gặp gỡ ấy, Tô-ma đã thay đổi. Cả đời ông sống cho lòng thương xót ấy.

 

Lòng thương xót của Thiên Chúa – đôi khi – khiến chúng ta bị “sốc”. Nó thách thức lối nghĩ tự nhiên của con người, đòi ta bước ra khỏi sự phán xét và bước vào một mối tương quan mới, dấn thân vào một lối sống mới: lối sống biết tha thứ, biết đón nhận, biết nhìn người khác bằng ánh mắt của Thiên Chúa.

 

Một trong những cách để vượt qua cú “vấp phạm” này là sống lòng thương xót. Là để chính bản thân được chạm vào cạnh sườn bị đâm thâu ấy – để yêu, để tin và để được biến đổi.

 

Hôm nay, bạn và tôi hãy tự hỏi:

  • Tôi có thật lòng vui mừng khi thấy người khác được tha thứ không?
  • Tôi có sẵn sàng đón nhận những người từng lầm lỗi quay trở về không?
  • Hay tôi vẫn đang âm thầm cầm “viên đá” trong tay mình?

 

Chúa Giê-su đã nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Không ai trong chúng ta là vô tội. Vậy thì, tại sao chúng ta lại từ chối tha thứ cho người khác?

 

Lòng thương xót của Thiên Chúa, cho đến hôm nay, vẫn thường bị “vấp phạm” – bởi lối nghĩ hẹp hòi của chúng ta, bởi cái nhìn đóng khung người khác vào quá khứ của họ, bởi nỗi sợ hãi về một Thiên Chúa “quá tốt lành”.

 

Thế nhưng cạnh sườn bị đâm thâu và mở toang ấy vẫn đang mời gọi bạn và tôi:

  • Dám mở lòng đón nhận ơn tha thứ, như Tô-ma đã dám chạm vào cạnh sườn của Thầy.
  • Dám tha thứ cho chính mình và cho người khác – không chỉ nhìn họ qua lăng kính quá khứ, nhưng bằng niềm hy vọng cho tương lai.
  • Dám trở nên khí cụ của lòng thương xót – qua một ánh nhìn thông cảm, một đôi tai lắng nghe chân thành, một đôi tay âm thầm nâng đỡ, một lời cầu nguyện từ con tim yêu mến.

 

Đừng để lòng thương xót chỉ là một ý tưởng đẹp được cất giấu trong tâm trí! Hãy để nó trở thành hơi thở, ánh nhìn và hành động mỗi ngày của chúng ta.

 

Vì “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

 

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, S.J.