Bài tập Mùa Phục Sinh – Bài 33: Đừng sợ!

 

Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” – Mát-thêu 28, 1–10

 

Trong đoạn Tin Mừng ngắn này, chúng ta thấy cụm từ “Đừng sợ” xuất hiện hai lần – một lần từ thiên thần và một lần từ chính miệng Chúa Giêsu. Chúng ta cũng thấy hai phản ứng khác nhau: các lính canh thì kinh hoàng, trong khi những người phụ nữ đón nhận lời của thiên thần, người giao cho họ sứ mạng an ủi các anh em của Chúa Giêsu.

 

Sợ hãi là phản ứng thích hợp đối với những gì chúng ta không thể hiểu và làm chúng ta choáng ngợp. Khuynh hướng tự nhiên của con người là cố gắng điều khiển thế giới bằng cách chia nó ra thành những phần nhỏ mà tâm trí chúng ta ta có thể nắm bắt. Bất cứ điều gì không phù hợp với khái niệm của chúng ta về thế giới đều khiến ta sợ hãi. Trong thế giới cổ đại, đó là vương quốc của các vị thần; còn với tư duy hiện đại, đó là Điều-chưa-biết.

 

Tuy nhiên, lời chào của Chúa Giêsu dành cho hai bà Maria lại gợi lên một nỗi sợ hãi kiểu khác – một nỗi sợ hãi cùng tồn tại với “niềm vui lớn lao”, như thể nó chỉ bị giới hạn bởi nỗi lo rằng niềm vui ấy sẽ không kéo dài. Đó là nỗi sợ của người đã yêu sâu đậm, chỉ sợ niềm hạnh phúc này quá mong manh để có thể bền lâu; hay của người vừa trúng số và sợ rằng có lẽ đây là một sự nhầm lẫn. Nỗi sợ-trong-niềm-vui ấy chiếm lấy họ ngay giữa lúc còn đang đau buồn, và khiến họ bất ngờ vì sức mạnh tự phát của nó. Người mà họ nghĩ đã chết, nay sống lại. Nếu Chúa Kitô đã sống lại, vậy thì họ còn e sợ điều gì?

 

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, 

tôi còn sợ người nào? 

Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa?

Khi ác nhân xông vào, 

định nuốt sống thân tôi, 

ai ngờ chính đối phương, 

chính những thù địch ấy, lại lảo đảo té nhào.

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,

Người che chở tôi trong lều thánh,

đem giấu tôi thật kín trong nhà, 

đặt an toàn trên tảng đá cao.

Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban 

trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào Chúa, 

mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.”

— Thánh vịnh 27, 1–2, 5, 13–14

Cầu nguyện

Hãy cầu nguyện và chiêm nghiệm theo lời của Thánh Vịnh 27. Bạn đang thổ lộ với Thiên Chúa những khó khăn nào?

Hành động

Các Kitô hữu thời sơ khai, trong niềm hy vọng vào sự Phục Sinh, đã chăm sóc những người đau yếu. Còn bạn, ai là những người bạn có thể phục vụ mà không sợ hãi, trong niềm hy vọng vào sự Phục Sinh? Hãy gọi tên cách bạn có thể góp phần làm cho Nước Chúa trị đến và hành động hướng tới hy vọng đó.

 

The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action

Phần III: “Exercise 33  Do Not Be Afraid”

Tác giả: Tim Muldoon

Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên